PHÒNG GDĐT DẦU TIẾNG
TRƯỜNG MẦM NON 13/3
NỘI DUNG
TUYÊN TRUYỀN TRẺ SUY DINH DƯỠNG, THỪA CÂN-BÉO PHÌ
NĂM HỌC 2018-2019
Kính thưa: Bà Quách Thị Mộng Xuân – Hiệu trưởng nhà trường
Kính thưa: Bà Dương Ngọc Thủy Tiên – PHT nhà trường
Kính thưa: Bà Hồ Thụy Mai Thanh – Y tế nhà trường
Kính thưa quí PH và các cô. Sau đây tôi xin đại diện BGH trường thông qua số trẻ SDD, thừa cân-béo phì của nhà trường đầu năm học 2018 - 2019, công tác chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân, béo phì tại trường và hình thức tuyên truyền giúp phụ huynh chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân, béo phì tại nhà.
Thông qua số trẻ SDD, thừa cân-béo phì cuối năm của trường:
Tổng trẻ cân đo: 507/507 trẻ. Trong đó:
+ Trẻ bình thường: 363/507 trẻ, tỉ lệ: 71,60%
Trẻ SDD thể nhẹ cân: 2/507 trẻ, tỉ lệ: 0,39% giảm 1 trẻ so với đầu năm có 3/507 trẻ.
Trẻ SDD thể thấp còi: 6/507 trẻ, tỉ lệ 1,18% không tăng giảm so với đầu năm
Trẻ thừa cân: 66/507 trẻ, tỉ lệ: 13,02% tăng 16 trẻ so với đầu năm có 50/507 trẻ
Trẻ béo phì: 67/507 trẻ, tỉ lệ: 13,21% tăng 11 trẻ so với đầu năm có 56/507 trẻ
Công tác chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân-béo phì:
Nhà trường luôn quan tâm chăm sóc tốt cho những trẻ SDD, TC-BP. Đặc biệt chú ý đến chế độ ăn và chăm sóc trẻ.Hàng tháng nhà trường đều tổ chức cân đo trẻ để theo dõi sự phát triển cân nặng của trẻ đối với trẻ 18-24 tháng và cân đo trẻ hàng quý đối với trẻ từ 24 tháng trở lên để theo dõi sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ. Và đánh giá sự phát triển của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng.
Chế độ ăn: Cho trẻ ăn thức ăn đúng cách để trẻ phát triển đúng quy luật, phù hợp với tiềm năng vốn có bằng cách cho trẻ ăn đủ nhu cầu năng lượng trong 1 ngày:
+ Trẻ 12-36 tháng tuổi: 651-800 kCal/ngày.
+ Trẻ 3-6 tuổi: 738-924 KCal/ngày.
+ Nhà trẻ: 70-80% nhu cầu năng lượng cả ngày; Mẫu giáo; 60-70% nhu cầu năng lượng cả ngày.
+ Quy định lượng sữa nhà trẻ: 110 ml/trẻ/ngày; Mẫu giáo: 180ml/trẻ/ngày (kể cả các chế phẩm từ sữa)
*ĐỐI VỚI TRẺ SUY DINH DƯỠNG (NHẸ CÂN VÀ THẤP CÒI):
Chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng (nhẹ cân và thấp còi): cần 3 yếu tố
Về môi trường sinh sống của trẻ:
Lớp học luôn thoáng đãng, sạch sẽ và trong lành. Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt mà trẻ được sử dụng tại trường luôn sạch, có kiểm nghiệm hàng năm. Nơi học tập của trẻ được vệ sinh sạch sẽ để tránh bị vi khuẩn, vi trùng xâm lấn vào cơ thể gây bệnh cho bé.
Nhà trường luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác phòng dịch bệnh theo mùa cho trẻ.
Cân đo trẻ hàng tháng để theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
Về chế độ sinh hoạt:
Chế độ sinh hoạt bao gồm vệ sinh thân thể và các hoạt động thể chất. Nhà trường sử dụng các loại xà phòng sát khuẩn để vệ sinh thân thể, vệ sinh chân tay cho bé sạch sẽ. Tạo cho bé thói quen rửa tay chân trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hướng dẫn trẻ 6 bước rửa tay đúng cách của Bộ y tế để tránh vi khuẩn xâm lấn sâu vào hệ thống tiêu hóa gây ảnh hướng đến hấp thụ chất dinh dưỡng ở trẻ.
Thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất, vận động cơ thể như chuyền bóng, nhảy lò cò, chạy, bật xa, bật tại chỗ… hay các trò chơi vận động nhẹ nhàng khác để ổn định sức khỏe trẻ.
Bổ sung chất dinh dưỡng và nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho trẻ:
Trẻ SDD nên sức đề kháng của trẻ yếu, trẻ dể mắc bệnh nên trường luôn quan tâm nhắc nhỡ GV chăm sóc tốt cho trẻ:
- Giáo dục trẻ nên nhai kỹ và ăn chậm, ăn đều đặn, không bỏ bữa. Nên ăn nhiều vào bữa sáng . Không cho trẻ mang quà bánh tới trường.
- Trong giờ ăn những trẻ này được sắp ngồi bàn riêng ( gần với cô ) để GV tiện chăm sóc bữa ăn cho trẻ. Trong khi ăn giáo viên tạo không khí thoải mái khi ăn, khuyến khích trẻ ăn hết suất. Cung cấp đủ năng lượng theo lứa tuổi của trẻ, trẻ không thể cao được nếu chế độ ăn thiếu năng lượng, bằng cách ăn đủ các bữa cháo, bột, cơm… hàng ngày theo tháng tuổi, bổ sung đầy đủ dầu mỡ trong các bữa ăn.
- Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, thức ăn phải nấu kỹ, nấu xong cho trẻ ăn ngay khi thức ăn còn ấm. Nhà trường cũng chú ý những loại thực phẩm dùng cho trẻ suy dinh dưỡng:
- Gạo, khoai tây.
- Sữa bột giàu năng lượng (nhà trường hợp đồng và sử dụng sữa Duclady- sữa cô gái Hà Lan)
- Tăng dầu mỡ, băm nhỏ thực phẩm, nấu mềm: nhà trường tăng dầu mỡ cho bữa ăn hàng ngày của trẻ vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Khi chế biến băm nhỏ thực phẩm, nấu mềm, nêm nếm phù hợp với khẩu vị của trẻ.
- Ưu tiên các thức ăn chứa nhiều chất đạm: thịt, cá, tôm ,cua, trứng, sữa.
- Chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm: cũng chính là các thức ăn có nguồn gốc động vật, giàu chất đạm: trứng, sữa, thủy sản, thịt… đặc biệt các loại thức ăn có chứa nhiều kẽm như: thịt gà, con hàu…vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.
- Ăn nhiều rau xanh quả chín, cũng giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt các vi chất như: canxi, sắt, kẽm…
- Ngoài chế độ ăn theo điều tra khẩu phần thì trường còn tăng cường cho trẻ ăn bổ sung (phômai, sữa, trứng…), để bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho trẻ. (kinh phí từ quỹ cơm thừa của trường). Cho trẻ ăn vào buổi xế của ngày thứ 4 hàng tuần.
Tuyên truyền phụ huynh:
- Cho trẻ ăn thức ăn trong trường, tránh mua thức ăn ngoài vào không đảm bảo VSATTP.
- Cho trẻ ăn bổ sung các chất dinh dưỡng như nhà trường đã nêu.
- Tạo môi trường, không khí nơi trẻ ở thoáng mát, trong lành
- Luôn giữ cơ thể trẻ được sạch sẽ
- Cho trẻ uống các loại sữa bổ sung dinh dưỡng khi ở nhà.
- Cho trẻ vận động giúp tăng cường sức khỏe
- Phối hợp với giáo viên và nhà trường để theo dõi và chăm sóc trẻ nhằm giúp trẻ phát triển hài hòa, cân đối.
- Mời Bác sĩ trung tâm y tế tuyên truyền và giải đáp ý kiến thắc mắc.
* ĐỐI VỚI TRẺ BÉO PHÌ:
Chăm sóc trẻ thừa cân-béo phì:
Tăng cường hoạt động thể lực ở trẻ:
- Tăng cường vận động: Sau khi tập thể dục sáng nên cho bài tập thêm như chạy vòng quanh sân, leo thang xuống thang bao nhiêu lần tùy theo độ tuổi và diện tích sân … giáo viên cho trẻ tham gia các hoạt động trực nhật, lau bàn, lau kệ, xếp ghế, phơi khăn … giáo dục mọi lúc mọi nơi, cung cấp kiến thức để trẻ tự ý thức tự phòng chống béo phì bằng cách lồng ghép nội dung giáo dục vào các hoạt động, tạo các tình huống để trẻ vận động hứng thú thông qua câu chuyện, trực quan …
- Khuyến khích trẻ béo phì chơi những trò chơi vận động có tính tập thể như: kéo co, thi ai nhanh, chuyền bóng, mèo đuổi chuột…
- Tìm hiểu những trò chơi mà trẻ ưa thích để tổ chức cho trẻ hoạt động. Tổ chức các hoạt động vui chơi ngoài trời, tạo điều kiện cho trẻ được chạy, nhảy, vui đùa, tham gia 1 cách tích cực và phù hợp với sức khẻo vào các hoạt động tập thể như: tập thể dục, đi dạo chơi, bơi lội, chơi với cát, nước…
- Khuyến khích trẻ tham gia lao động tự phục vụ, giúp đỡ cô giáo và các bạn như: tự rửa mặt, rửa tay, sắp xếp bàn ghế, bát đũa trước và sau khi ăn…
- Không bắt trẻ ngồi học quá nhiều, quá lâu.
- GV yêu thương, khuyến khích trẻ vận động, giải thích cho trẻ khác hiểu để cùng giúp đỡ, động viên trẻ béo phì. Tránh chọc ghẹo, chê bai… khiến trẻ tự ti, mặc cảm.
- Thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn và hoạt động vui chơi của trẻ để có sự điều chỉnh hợp lí.
- Khuyến khích trẻ ăn rau quả tươi
- Khi chế biến thức ăn cho trẻ, tránh cho quá nhiều dầu mỡ, bơ và đường. Không cho trẻ ăn thường xuyên các món nhiều dầu mỡ, hạn chế trẻ ăn/ uống đồ ngọt.
- Đối với trẻ nhỏ bị thừa cân, béo phì, nhà trường, cô nuôi dạy trẻ chỉ điều chỉnh tốc độ tăng cân chứ không phải là giảm cân của trẻ ( Vì nhà trường hiểu ở lứa tuổi này bị giảm cân là nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ ).
- Nhà trường thực hiện đảm bảo nguyên tắc: điều chỉnh chế độ ăn thích hợp cho trẻ theo lứa tuổi kết hợp với tăng cường hoạt động vui chơi ( đặc biệt là các trò chơi vận đông).
Khẩu phần ăn:
- Khẩu phần ăn cần cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin, muối khoáng… theo nhu cầu lứa tuổi để trẻ tiếp tục tăng trưởng và phát triển.
- Không được bắt trẻ béo phì nhịn ăn làm trẻ cảm thấy bị quá đói, dẫn đến trẻ sẽ ăn “quá nhiều” khi được ăn.
- Khi chọn thức ăn cho trẻ, trường tìm hiểu những sở thích ăn uống của trẻ, từ đó điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, giúp trẻ ăn hết khẩu phần (đã được điều chỉnh đối với trẻ béo phì).
- Đối với trẻ lớn bị béo phì, hạn chế dùng sữa nguyên kem. Nên dùng sữa tươi không đường hoặc sữa bột tách bơ.
- Cho trẻ ăn điều đặn, không bỏ bữa, ăn đúng thời gian quy định, cho trẻ ăn tăng lên về bữa sáng, giảm nhẹ về xế chiều, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau, quả thay vì ăn các món nhiều năng lượng
- Tránh dùng thức ăn để làm phần thưởng cho trẻ đặt biệt là những thức ăn ngọt, béo như: sô-cô-la, bánh, kẹo,kem…
- Hạn chế cung cấp nguồn năng lượng từ sữa, nếu có, chỉ sử dụng các loại sữa không đường hoặc ít đường, ít béo, giàu can xi, hoặc các chế phẩm từ sữa như yaourt, bánh flan... Bổ sung vào các bữa phụ nhằm giúp trẻ tăng cường phát triển chiều cao.
Tuyên truyền phụ huynh:
Tuyên truyền đến phụ huynh tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý, tác hại của việc ăn uống không khoa học, ảnh hưởng nghiêm trọng của việc trẻ bị mất cân bằng dinh dưỡng... Qua các cuộc họp PHHS, bảng tin nhà trường - nhóm lớp, loa phát thanh, mời Bác sĩ trung tâm y tế huyện tuyên truyền và giải đáp thắc mắc.
- Tích cực phát huy vai trò của các giáo viên chủ nhiệm, tăng cường tìm hiểu tâm lý phụ huynh đưa ra biện pháp tuyên tuyên truyền phù hợp.
- Hướng dẫn phụ huynh việc khuyến khích trẻ thực hiện các công việc nhà, hạn chế thời gian cho trẻ ngồi, hướng dẫn việc lựa chọn thực phẩm và chế biến bữa ăn hợp lý, lành mạnh cho trẻ trong bữa ăn gia đình.
- Hướng dẫn phụ huynh cho trẻ luyện tập thể lực phù hợp với độ tuổi
- Trao đổi thường xuyên việc chăm sóc sức khỏe khi trẻ ở nhà: tạo điều kiện cho trẻ được vận động, vui chơi, sinh hoạt cùng gia đình, không để trẻ tự do ngồi suốt trước ti vi, máy vi tính, điện thoại… khuyên trẻ ngủ sớm để phát triển chiều cao;
- Chế độ ăn trẻ thừa cân, béo phì cần phù hợp, không đặt mục tiêu giảm cân lên hàng đầu. Bữa ăn của trẻ phải cân đối hợp lý, đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng. Hạn chế mức độ tăng cân, tăng cường phát triển chiều cao. Trong khẩu phần, chú trọng việc cung cấp các chất dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, chỉ giảm năng lượng chút ít (nếu cần thiết), gia tăng năng lượng tiêu hao thông qua các hoạt động thể lực;
- Chú ý trẻ thừa cân, béo phì nên ăn uống khoa học: giảm chất bột đường, chất béo, ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt và các thực phẩm nhiều chất xơ như ngô, khoai, không để trẻ nhịn đói, vì nếu bị quá đói, trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy, hạn chế tối đa việc cho trẻ ăn, uống buổi tối …nên tập cho trẻ có thói quen năng vận động;
- Hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, các loại bánh kẹo, đường mật, kem, sữa đặc có đường và các thực phẩm giàu chất béo, hạn chế cho thêm đường vào thực phẩm, nước uống …
Qua buổi tuyên tuyền, nhà trường mong muốn quý phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc khi trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân, béo phì. Và phối hợp nhà trường thực hiện tốt công tác CS-ND trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân, béo phì khi ở nhà để tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân, béo phì giảm đạt yêu cầu vào thời điểm cuối năm học. (dưới 10%)
Cuối cùng thay mặt BGH trường tôi xin chân thành cảm ơn sự có mặt quí PH đã dành thời gian đến dự và lắng nghe. Xin chúc sức khỏe toàn thể quí vị. Xin chân thành cảm ơn!